Nghe Podcast
Getting your Trinity Audio player ready...
|
I. Sinh học phân tử sẽ là mũi nhọn trong lĩnh vực ung thư
Theo các chuyên gia, lĩnh vực ung thư tại Việt Nam trong những năm gần đây đã có những thành tựu ấn tượng trong chăm sóc và điều trị bệnh. Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh của bệnh nhân ung thư hàng năm kéo theo gánh nặng không nhỏ cho hệ thống điều trị, đặc biệt là các bệnh viện tuyến cuối. Các thống kê mới nhất của ngành y tế cho thấy, hiện có gần 80% số ca ung thư đến khám và được chẩn đoán ở giai đoạn muộn; hơn 90% trường hợp ung thư phổi, ung thư gan vào bệnh viện đã ở giai đoạn không phẫu thuật được, hơn 40% các ca ung thư điều trị khi ở giai đoạn muộn.
Trong bối cảnh đó, ứng dụng sinh học phân tử (SHPT) trong tầm soát, chẩn đoán và hỗ trợ điều trị thuộc lĩnh vực ung bướu ngày càng đóng vai trò quan trọng và phổ biến. Số ca bệnh cần được hỗ trợ chẩn đoán, điều trị thông qua xét nghiệm SHPT ngày càng nhiều. Đặc biệt là các xét nghiệm giúp xác định đột biến Gene trong ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư vú…. để hỗ trợ bác sĩ lâm sàng ra quyết định cho bệnh nhân điều trị đích hay không và sử dụng các loại thuốc nào phù hợp. Ngoài ra tính phức tạp về xét nghiệm ung thư di truyền và nhu cầu tư vấn chuyên sâu về ung thư di truyền cũng là một thách thức không nhỏ trong thực hành lâm sàng cho các bác sĩ hiện nay.
Bên cạnh đó là nhu cầu lớn về tập huấn, đào tạo liên tục (CME) của các bác sĩ, nhân viên y tế về Y-SHPT cũng như phổ biến kiến thức về liệu pháp điều trị ung thư tiên tiến từ ứng dụng công nghệ SHPT tới cộng đồng.
Trên cơ sở những tiền đề mang tính thực tiễn như trên, Viện Di truyền Y với thế mạnh về nghiên cứu khoa học, hợp tác đào tạo trong lĩnh vực thành lập Ban Sinh học phân tử ung thư (Molecular Tumor Advisory Board –MTB) nhằm đáp ứng nhu cầu tư vấn, hỗ trợ chuyên môn cho các đối tác, các bác sĩ lâm sàng, các bệnh viện, trung tâm y tế đang cung cấp dịch vụ chăm sóc, chẩn đoán và điều trị Ung thư.
II. Hướng tới xây dựng mạng lưới chuyên gia SHPT ung thư tại Việt Nam
Các báo cáo, tham luận tại Hội thảo khẳng định xu hướng phát triển mô hình MTB trong Ung thư và tin tưởng rằng: MTB trực thuộc Viện Di truyền Y học trong hoạt động thực tiễn sẽ là cánh tay nối dài của các Trung tâm sinh học phân tử hay MTB trực thuộc các bệnh viện ung bướu, các trường y khoa có đào tạo chuyên ngành ung thư.
Trong năm 2023, ngoài Dự án Cẩm nang Sinh học phân tử trong chẩn đoán và điều trị ung thư tại Việt Nam (dự kiến xuất bản và tặng hơn 1000 bản tới các BV, TT – Khoa Ung bướu, BS điều trị ung bướu, Nhân viên y tế, Sinh viên Y khoa… ), trong khuôn khổ của Chương trình hoạt động, MTB cũng sẽ phối hợp với các đơn vị y tế tổ chức các khóa đào tạo liên tục (CME) tham gia các hội thảo chuyên sâu và ra mắt trang thông tin trực tuyến về SHPT ung thư. Bên cạnh đó, thông qua các cơ sở y tế, bác sĩ điều trị sẽ trao tặng hơn 100 mẫu xét nghiệm SHPT và nhiều đầu sách, tài liệu truyền thông về chăm sóc, phòng ngừa bệnh ung thư cho cộng đồng.
TS.BS Nguyễn Duy Sinh, GĐYK Gene Solutions, thành viên Ban cố vấn MTB cho biết, MTB với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về ung thư sẽ là nền tảng cho việc phát triển mạng lưới chuyên gia sinh học phân tử ung thư tại Việt Nam, tạo nên những hoạt động chuyên môn có giá trị, góp phần giúp cho bức tranh điều trị ung thư tại Việt Nam trở nên tươi sáng hơn, cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng sống của người bệnh ung thư.