Nghe Podcast
Getting your Trinity Audio player ready...
|
Phẫu thuật cắt đoạn đại trực tràng là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng (CRC) giai đoạn II hoặc III, chị định hóa trị bổ trợ sẽ được xem xét dựa trên các yếu tố nguy cơ lâm sàng. Tuy nhiên, hơn 30% bệnh nhân ung thư đại trực tràng có chỉ định phẫu thuật vẫn phát hiện tái phát mặc dù đã được điều trị đúng phác đồ. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ASCO) cũng đã đánh giá định nghĩa hiện tại về ung thư đại trực tràng giai đoạn II “nguy cơ cao” là không đầy đủ vì thực tế lâm sàng cho thấy nhiều bệnh nhân thuộc nhóm “nguy cơ cao” nhưng không tái phát, trong khi một số bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ trung bình lại phát hiện tái phát. ASCO cũng đồng thuận rằng các thông số để phân tầng “nguy cơ cao” đã được ban hành không đủ để dự đoán bệnh nhân có thực sự được hưởng lợi từ ACT hay không.
Do đó, việc đánh giá tồn dư tối thiểu dựa vào định lượng DNA tự do của khối u lưu hành trong máu (ctDNA) có thể phân tầng nguy cơ sau phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn II-III và cung cấp thêm thông tin giúp bác sĩ lâm sàng quyết định chỉ định điều trị hóa trị bổ trợ (ACT) hay không. Chúng tôi báo cáo kết quả từ nghiên cứu GALAXY, một nhánh của nghiên cứu CIRCULATE – nghiên cứu đa trung tâm tiến hành tại Nhật Bản.
1.039 bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn II-IV có chỉ định phẫu thuật được định lượng ctDNA trước và sau phẫu thuật. Nghiên cứu đoàn hệ với thời gian theo dõi kéo dài trung bình 16,74 tháng (0,49–24,83 tháng), cho kết quả:
- Nhóm bệnh nhân dương tính với ctDNA sau phẫu thuật có nguy cơ tái phát cao hơn nhóm ctDNA âm tính (hazard ratio HR 10,0 (P <0,0001).
- ctDNA là yếu tố tiên lượng quan trọng nhất trong việc đánh giá nguy cơ tái phát ở bệnh nhân CRC giai đoạn II hoặc III (HR 10,82, P <0,001).
- Nhóm bệnh nhân mắc CRC giai đoạn II-III dương tính với ctDNA sau phẫu thuật được chứng minh hưởng lợi từ điều trị bổ trợ (HR 6,59, P <0,0001).
- Nhóm bệnh nhân ctDNA dương tính sau phẫu thuật có chỉ định điều trị bổ trợ được theo dõi động học ctDNA để tiên lượng, đánh giá hiệu quả điều trị. Sau điều trị bổ trợ, nhóm bệnh nhân không được làm sạch tồn dư tối thiểu – No clearance MRD (ctDNA không trở về âm tính sau ACT) có nguy cơ tái phát cao hơn nhóm được làm sạch tồn dư tối thiểu – Clearance MRD (ctDNA âm tính sau ACT) (HR 11, P < 0.0001).
Nghiên cứu GALAXY đã đưa ra các bằng chứng mạnh mẽ, chứng minh ctDNA sau phẫu thuật là dấu ấn sinh học quan trọng nhất trong việc tiên lượng, phân tầng nguy cơ khi so sánh với các tiêu chí đánh giá yếu tố nguy cơ bằng đặc điểm lâm sàng – bệnh học hiện đang được sử dụng, đồng thời ctDNA có khả năng dự đoán lợi ích của ACT. Các thử nghiệm lâm sàng pha 3 đang diễn ra sẽ nghiên cứu, đánh giá sâu hơn về chiến lược lựa chọn phác đồ điều trị tối ưu dựa trên phân tích ctDNA đối với ung thư đại trực tràng có chỉ định phẫu thuật.